Điều quan trọng là phải phát triển tốt chương trình ghép tạng từ người hiến chết não, chết tim… để có thể tận dụng được các cơ quan còn chức năng của những người không còn cần sử dụng nữa để cứu người bệnh khác. Việc này cũng sẽ có thể giúp đẩy lùi nạn mua bán tạng và ghép tạng trái phép.
Để làm được như vậy, theo các chuyên gia, cần có hệ thống kiểm soát bảo đảm minh bạch và công bằng trong hiến và nhận tạng. Đơn cử như tại Mỹ đã xây dựng phần mềm quản lý và tuyển chọn bệnh nhân dựa trên danh sách chờ ghép tạng mà không có sự can thiệp của con người. Cụ thể, con người chỉ nạp thông tin người bệnh chờ ghép, người hiến vào hệ thống, còn việc tuyển chọn người phù hợp để ghép là hoàn toàn tự động.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn, ngoài các tiêu chuẩn y khoa, ưu tiên người bệnh nặng hay trẻ em, còn có các tiêu chuẩn về địa lý của người bệnh để hạn chế tối đa sự di chuyển, tiết kiệm ngân sách và sự an toàn của tạng hiến (khoảng cách tối đa trong vòng 500 km). Tất cả đều được hệ thống mã hóa thành thang điểm để tính toán mức độ ưu tiên trong tuyển chọn.
Bên cạnh đó, bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho rằng cần đặc biệt đầu tư chuyên sâu cho hồi sức cấp cứu (ICU). Bác sĩ đặt trường hợp có một ca nặng bị đa thương do tai nạn giao thông nhập viện, các bác sĩ đã cấp cứu, hồi sức cứu chữa tích cực, nhưng tiên đoán sẽ không thể cứu được người bệnh… thì liệu người này có thể hiến tạng cứu người được không ?
Cụ thể, các bác sĩ sẽ phải xử trí hàng loạt vấn đề trong thời gian khẩn cấp: Muốn thực hiện hiến tạng cứu người, trước tiên phải có mong muốn của chính người bệnh lúc còn khỏe mạnh và sự đồng ý của gia đình. Kế đến là đánh giá khả năng hiến, làm thế nào để hồi sức bảo quản được các tạng hiến không bị tổn thương thêm, rồi làm thế nào để người bệnh được tuyển chọn ghép có thể đến kịp trung tâm ghép để tiến hành, nếu người bệnh ở xa thì làm sao để chuyển tạng đến kịp giờ… Rồi việc bảo quản, chăm sóc cơ thể của người sau hiến tạng, an ủi động viên gia đình…
Để có thời gian giải quyết các vấn đề xung quanh cuộc hiến và ghép tạng, chuẩn bị cùng lúc nhiều ca phẫu thuật lớn, thì yêu cầu người bác sĩ hồi sức phải có đủ kinh nghiệm chuyên sâu trong hồi sức để hạn chế tối đa các diễn tiến xấu nhằm bảo đảm thực hiện được nguyện ước cuối cùng của người hiến và gia đình là hiến được nhiều mô, tạng nhất để cứu được nhiều người bệnh nhất.
Trên tinh thần nhân đạo, hiến mô, tạng khi chẳng may qua đời để cứu người bệnh là cho đi và không yêu cầu phải có bất cứ điều gì trả lại cho mình. Nhưng về tình tương thân tương ái giữa người và người, Nhà nước vẫn có những quan tâm đặc biệt để giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sau hiến mô, tạng và gia đình bằng Thông tư 104 năm 2017 của Bộ Tài chính (quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác).
Bên cạnh đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Phòng công tác xã hội cùng các nhà hảo tâm, đã cố gắng lo tổ chức thêm xe đưa cơ thể của người hiến đến nơi tổ chức tang lễ; gửi họ tên, ngày mất đến cơ sở thờ tự, tôn giáo để cầu siêu, cầu nguyện; chia sẻ đau buồn, an ủi tinh thần; hỗ trợ chuyên môn y khoa cho người thân (khi cần) trong khám chữa bệnh…
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy)
Duy Tính (ghi)